Nghệ thuật yêu (Erich Fromm) – Chương 2: Tình yêu là câu trả lời cho vấn đề sinh tồn của loài người

tru-tuong

Mỗi lý luận về tình yêu đều phải dựa vào lý luận về con người, lấy sự tồn tại của con người làm tiền đề. Cái mà chúng ta có thể nhìn thấy tình yêu của động vật, hay nói một cách chính xác là cái gì đó gần với tình yêu thể hiện ở loài động vật, chủ yếu là một trong những bản năng của chúng. Trên con người, chúng ta chỉ nhìn thấy chút tàn dư của loại bản năng này. Điểm quan trọng trong sự tồn tại của con người là người vượt lên trên giới động vật, vượt lên trên sự thích ứng của bản năng, thoát ly tự nhiên – dù rằng con người mãi mãi không thể nào hoàn toàn thoát khỏi tự nhiên. Người tiếp tục là một phần của tự nhiên, nhưng đồng thời cũng phân ly khỏi tự nhiên, mãi mãi không thể nào cùng với tự nhiên hợp nhất lại nữa. Sau khi con người bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng, hắn mất đi trạng thái hòa hợp với tự nhiên, vị thần mang thanh kiếm lửa đã chặn đứng đường về của loài người. Con người chỉ có thể tiến lên, không ngừng phát triển lý trí, dùng thứ hòa hợp mới, đầy tính người thay thế thứ hòa hợp thời đại vượn người một đi không trở lại ấy.

Con người vừa sinh ra – con người ở đây chỉ cá nhân và chủng tộc – từ một môi trường xác định như bản năng, bị đẩy vào môi trường bất định, hoàn toàn mở. Con người chỉ biết quá khứ, không biết chút gì về tương lai – ngoài cái chết.

Con người sở hữu lý trí; con người là sinh mệnh, thứ sinh mệnh tự mình ý thức được. Con người ý thức về mình, quá khứ, và khả năng vươn lên. Sự giác ngộ của con người đối với sự tồn tại đơn nhất của hắn, giác ngộ về sự ngắn ngủi của kiếp người, hắn ý thức được việc thân bất do kỷ, sự tất yếu của cái chết, con người biết sự cô độc của bản thân và khoảng cách với thế giới, ý thức được sự bất lực của mình trước uy lực của giới tự nhiên và xã hội – tất cả điều này làm cho sự đặc biệt và sự tồn tại của nỗi cô đơn của hắn trở thành một thứ giam hãm không thể chịu đựng. Nếu như con người không thể giải phóng mình khỏi ngục tù, nếu như hắn không thể liên kết với người khác hoặc thế giới xung quanh bằng cách này hay cách khác, nhất định hắn sẽ trở nên điên cuồng.

Người trải qua sự cô đơn tất yếu sẽ có cảm giác sợ hãi. Trên thực tế, cảm giác cô đơn là căn nguyên của mọi nỗi sợ. Cô đơn nghĩa là không có liên hệ với thế giới bên ngoài, không thể phát huy sức mạnh của con người, nghĩa là không thể thực thi một cái gì, không có khả năng nắm bắt con người, vật và thế giới; nghĩa là thế giới nhấn chìm tôi, còn tôi chỉ biết tuân theo. Vì vậy, côn đơn là căn nguyên dẫn đến cảm giác sợ hãi mạnh mẽ, đồng thời nó sinh ra cảm giác tội lỗi và sự xấu hổ. Theo Thánh Kinh, sau khi Adam  và Eve ăn thứ trái của cây Tri thức, họ không còn nghe theo Thượng đế nữa (chỉ trong trường hợp không nghe theo nữa mới sinh ra thiện ác), họ thoát ly khỏi sự hòa hợp giữa giới động vật với tự nhiên, từ đó trở thành người. Sau khi họ trở thành người, “mới phát hiện mình hoàn toàn lõa thể, dẫn đến cảm giác xấu hổ”. Lẽ nào chúng ta vẫn còn câu nệ quan niệm đạo đức thế kỷ 19 để giải thích cho một câu chuyện thần thoại cơ bản, lâu đời này, dù câu chuyện này muốn chúng ta tin rằng, sự xấu hổ của Adam và Eve là do họ đều nhìn thấy bộ phận sinh dục của nhau? Chắc chắn lời giải thích này không đúng. Nếu như chúng ta lý giải câu chuyện này như vậy, chúng ta sẽ bỏ qua điểm mấu chốt, đó là: Sau khi nam nữ ý thức được mình và đối phương, đồng thời ý thức được sự khác biệt và khoảng cách giữa hai người, biết được họ thuộc về hai giới tính khác nhau. Bởi họ nhận thức được sự khác biệt của nhau, nên giữa họ bắt đầu trở nên xa lạ, bởi họ còn chưa học được làm sao để yêu đối phương – Adam đẩy trách nhiệm cho Eve, chứ không phải tìm cách biện hộ cho Eve, điều này chứng minh cho quan điểm ấy. Ý thức khoảng cách giữa người với người, nhưng lại không đạt tới sự kết hợp mới thông qua tình yêu – đây là căn nguyên của sự xấu hổ, đồng thời cũng là căn nguyên của cảm giác tội lỗi và sự sợ hãi.

Vì vậy, nhu cầu lớn nhất của con người là vượt qua cảm giác cô đơn, thoát khỏi sự giam cầm của cô độc. Sự thất bại hoàn toàn trong quá trình con người muốn đạt được mục đích này làm cho hắn trở nên điên cuồng, bởi chỉ có thông qua sự thoát ly triệt để với thế giới xung quanh, cho tới không còn cảm giác tách biệt với thế giới, hắn mới có thể khắc phục được cảm giác sợ hãi đối với sự cô đơn – bởi khoảng cách giữa hắn với thế giới biến mất trong cuộc sống của hắn.

Con người – tất cả con người trong các thời đại, sống trong các môi trường văn hóa khác nhau – luôn luôn đối mặt cùng một vấn đề, đó là: làm thế nào khắc phục được cảm giác cô đơn này, làm thế nào vượt qua thế giới cá nhân, hiện thực hóa tính đại đồng của nhân loại. Con người thời ăn lông ở lỗ, dân tộc du mục, nông dân Ai Cập, thương nhân Phoenicia, binh sĩ Roma, tăng lữ thời Trung cổ, võ sĩ đạo Nhật Bản, công nhân viên chức hiện đại, tất cả đều có chung vấn đề này. Vấn đề này không đổi, bởi nó sinh ra trên cùng một mảnh đất – thực trạng con người, điều kiện tồn tại của loài người. Nhưng lời giải cho vấn đề này lại mỗi nơi mỗi khác. Con người có thể thông qua tín ngưỡng động vật, tế người hoặc chiến tranh, hưởng thụ xa hoa, tiết chế theo kiểu tín đồ Thanh giáo, làm việc say sưa, hoạt động nghệ thuật và lao động có tính sáng tạo, thông qua tình yêu với Thượng đế và người khác để tìm câu trả lời cho mình. Mặc dù có các phương thức khác nhau – liệt kê rành mạch từng phương thức đó có thể làm ra bộ lịch sử nhân loại – nhưng không phải là không có căn cứ. Ngược lại, nếu như chúng ta tránh những sai biệt nhỏ, không phải bản chất, có thể chắc chắn, đối với vấn đề này, con người sống trong môi trường văn hóa khác nhau có thể đưa ra lời giải cho vấn đề là hạn chế. Lịch sử tôn giáo và triết học chính là lịch sử của sự cấu thành những câu trả lời vừa phức tạp, nhưng lại cũng vừa hạn chế về số lượng. Câu trả lời trong một phạm vi nhất định cho vấn đề này của con người lại phụ thuộc vào tầm vóc cá tính đạt tới của hắn. Đối với một đứa trẻ, từ “tôi” dường như chưa hình thành. Mọi đứa trẻ đều hòa nhất với người mẹ, chỉ cần người mẹ bên cạnh, nó sẽ không có cảm giác cô độc. Nỗi cô độc của nó được hiểu thông qua sự tồn tại của người mẹ, được xoa dịu thông qua tiếp xúc với làn da hay bầu vú của người mẹ. Giai đoạn đứa trẻ phát dục tới nảy sinh cảm giác cô độc và hình thành cá tính, sự tồn tại của người mẹ lúc này không đủ xoa dịu cảm giác cô độc của hắn, hắn buộc phải dựa vào cách khác để khắc phục nỗi cô độc này.

Thời kỳ nhân loại còn là đứa trẻ, dường như họ dùng cùng một phương thức để đạt được sự hài hòa với tự nhiên. Đất trời, động-thực vật hoàn toàn là thế giới của con người. Con người xem mình hoàn toàn đồng nhất với động vật, nó biểu hiện ở việc con người hóa trang thành động vật và sùng bái tô-tem hoặc khác trong giới động vật. Nhưng con người càng thoát ly sợi dây gắn kết nguyên thủy, càng xa lạ với thế giới tự nhiên, càng muốn tìm kiếm con đường thoát khỏi sự cô độc.



banner quảng cáo viên uống zlove



Một trong những con đường để đạt được mục đích này là hình thức phóng dục khác nhau. Như trạng thái bừng tỉnh do mình hoặc mượn chất kích thích chính là một hình thức phóng dục. Nhiều nghi thức của bộ lạc nguyên thủy cung cấp cho chúng ta nhiều ví dụ sinh động về phương diện này. Trong sự hưng phấn cực độ ngắn ngủi, toàn bộ thế giới biến mất, cảm giác về khoảng cách với thế giới cũng mất theo. Nếu là sự phóng dục tập thể, thì những người tham gia đó còn cảm nhận được việc có chung số phận với một nhóm người, từ đó tăng thêm hiệu quả. Trải nghiệm tình dục thông thường có mối liên hệ chặt chẽ với dạng phóng dục này. Sự phóng túng tình dục này có thể đạt được hiệu quả bừng tỉnh giống như hút thuốc phiện. Nghi thức phóng túng tình dục tập thể được lan truyền rộng rãi, hiệu quả của nó là người tham gia sau đó không còn cảm giác cô độc mạnh mẽ nữa, nhưng cảm giác sợ hãi dần gia tăng, bởi vậy nghi thức này buộc phải tái diễn.

Chỉ cần phóng dục là hoạt động tập thể của một bộ lạc, nó sẽ không thể làm nảy sinh cảm giác sợ hãi và xấu hổ. Loại hành vi này là “đúng đắn”, thậm chí là một đức hạnh, vì nó là một hoạt động tập thể, nó không chỉ được sự đồng ý của bác sỹ và tăng lữ, thậm chí còn được sự ủng hộ của họ, bởi vậy người tham gia không cần phải cảm thấy xấu hổ hoặc có cảm giác tội lỗi. Nhưng con người sống trong môi trường văn hóa mà loại nghi thức này đã biến mất, nếu như vẫn chọn hình thức này để khắc phục cảm giác cô độc của mình, thì chúng ta không thảo luận tới. Rượu và thuốc phiện là hình thức lựa chọn của một số người sống trong thời đại không còn sự phóng dục tập thể. Khác với người sống trong thời đại văn hóa phóng dục tập thể, những người này cảm thấy sự day dứt lương tâm. Một mặt, họ thông qua rượu và thuốc phiện để khắc phục cảm giác cô đơn, nhưng sau sự phóng dục, cảm giác cô đơn của họ lại gia tăng, vì vậy không thể không lặp lại hành vi này một cách thường xuyên và mãnh liệt hơn. Ở mức độ nào đó, sự phóng túng tình dục là một phương thức khắc phục cảm giác cô đơn tự nhiên và bình thường, và có hiệu quả nhất định. Rất niều người muốn giảm thiểu cảm giác cô đơn nhưng không có cách nào khác rất coi trọng nhu cầu phóng túng tình dục, trên thực tế nó không khác nhiều so với việc sử dụng rượu và thuốc phiện. Một số người gắng sức mượn việc phóng túng tình dục để khắc phục nỗi sợ hãi nảy sinh từ sự cô độc, nhưng kết quả là chỉ càng ngày càng cô độc, bởi sự giao hợp không có tình yêu chỉ có thể lấp đầy khoảng cách đôi bên trong chốc lát.

Những phương thức phóng dục thông qua nhằm đạt được sự liên kết giữa người với người đều có ba đặc trưng: trước tiên, những phương thức này đều mãnh liệt, thậm chí có thể nói kịch liệt; nó cần cả một con người – thân, tâm – đều phải lao vào; cuối cùng, nó cần phải được lặp lại, bởi hiệu quả của việc phóng dục chỉ trong chốc lát. Nhưng, dù là con người quá khứ hay hiện đại, phương pháp thường dùng nhất để khắc phục cảm giác cô độc lại tuyệt nhiên tương phản với nó. Phương pháp này chính là, thông qua việc duy trì sự nhất quán với một nhóm người, thông qua thói quen, phong cách và cách nhìn của một nhóm người để đạt được sự liên kết với người khác. Sự phát triển của phương thức này cũng có một lịch sử hình thành.

Trong một xã hội cấp thấp, một nhóm người rất ít, thông thường là một nhóm người có quan hệ huyết thống hoặc sống cùng nhau hợp thành. Theo sự phát triển của văn hóa, số lượng thành viên của một nhóm người cũng tăng theo, nó biết thành một tập thể chính trị, một quốc gia, hay một giáo phái. Cho dù là kẻ nghèo nhất La Mã cũng có thể tự hào mà nói: “Tôi là công dân La Mã.” La Mã và đế quốc La Mã chính là gia đình của hắn, là tổ quốc và thế giới của hắn.  Trong xã hội phương Tây ngày nay, sự kết hợp của một nhóm người vẫn là phương thức thường dùng nhất để khắc phục sự cô độc. Trong sự kết hợp này, để mình thuộc về nhóm người này, người ta phải mất đi phần lớn cá tính. Nếu như tôi và người khác là hoàn toàn giống nhau, tình cảm, tư tưởng của tôi đồng nhất với người khác, trang phục, thói quen và cách nhìn của tôi nhất tề giống nhau, thì tôi còn có khả năng cứu được, không còn sợ việc sẽ lại phải trải qua sự cô độc đáng sợ. Hình thức của một nhà nước chuyên chính cần dùng thủ đoạn uy hiếp và khủng bố để tạo ra một trạng thái đồng nhất, còn trong chính quyền dân chủ vẫn còn tồn tại khả năng chống lại tính đồng nhất đó, trong xã hội này quả là vẫn có thể nhìn thấy ví dụ như vậy. Nhưng trong chế độ chuyên chính, chỉ có một bộ phận nhỏ những người dũng cảm hay những kẻ tử vì đạo mới dám chống lại sự phục tùng. Tuy có sự khác biệt giữa hình thức nhà nước chuyên chế và chế độ dân chủ, mặc dù vậy chế độ dân chủ biến con người ta thành cùng một mô thức cũng làm chúng ta lo lắng, nguyên nhân tạo thành hiện tượng này đó là con người luôn muốn thông qua một hình thức nào đó thực hiện sự kết hợp với người khác, nếu như không có cách thức nào tốt hơn, thì chỉ có cách đồng nhất với một nhóm người. Chúng ta chỉ có thể lý giải được con người tại sao lại sợ hãi sự tách biệt với người khác đến vậy, mới có thể hiểu được uy lực mạnh chừng nào với cái lo lắng về sự khác biệt và khoảng cách với quần thể người. Có khi sự lo lắng này có thể tha thứ được, bởi con người suy xét tới những nguy hiểm thực tế mà sự khác biệt đem lại. Nhưng trên thực tế, số đông là tự phát, chứ không buộc phải làm như vậy – chí ít trong nhà nước dân chủ phương Tây là như vậy.

Số đông không hề ý thức trong mình có nhu cầu này. Họ sống trong ảo giác, họ cho rằng mọi suy nghĩ và hành động của hắn xuất phát từ bản thân, là người có cá tính, là cái nhìn cá nhân hình thành thông qua sự suy xét – bọn họ cho rằng quan điểm của mình giống với số đông chẳng qua là sự trùng khớp mà thôi. Thậm chí bọn họ còn cho rằng điều đó chứng minh quan điểm “của họ” là đúng đắn. Đến cái họ còn lại, nhu cầu hy vọng mình có cá tính lại được thỏa mãn thông qua những thứ nhỏ nhặt: ví như thêu những chữ cái viết tắt tên mình trên túi xách hay chiếc áo len, treo hàng hiệu của mình trên ô cửa kính, tham gia một chính đảng hoặc một hội học sinh. Khẩu hiệu quảng cáo “nghĩ khác biệt” chỉ chứng minh rằng dường như trong cái xã hội hiện thực không tồn tại cá tính, con người sao mà cần cá tính quá vậy!

Nhu cầu ngày một tăng mạnh này xóa tan tất cả khuynh hướng khác biệt có mối quan hệ mật thiết với quan niệm bình đẳng phát sinh trong lòng xã hội công nghiệp phát triển tiên tiến và thực tiễn. Khái niệm “bình đẳng” trong tôn giáo có nghĩa rằng chúng ta đều là con của Thượng đế, đều là người – một bộ phận trong bản chất Thượng đế, đều là nhất thể. Đồng thời cũng có ý rằng, nên tôn trọng sự khác biệt giữa người với người, bởi chúng ta tuy là nhất thể, nhưng mỗi người chúng ta cũng chỉ là một cá thể hoàn chỉnh chỉ tồn tại một lần, là một tiểu vũ trụ. Tỉ như trong kinh sách Do thái đã khẳng định tính tồn tại chỉ một lần của con người: “Ai cứu vớt một sinh mệnh, là cứu toàn thế giới; ai phá hoại một sinh mệnh, nghĩa là phá hoại toàn thế giới.” Trong triết học ánh sáng phương Tây, bình đẳng là chỉ điều kiện phát triển cá tính. Kant là người giải thích rõ nhất quan điểm này. Ông cho rằng, con người mãi mãi không nên là công cụ để thực hiện mục tiêu của kẻ khác, bản thân con người chính là một mục tiêu, chứ không phải là công cụ của kẻ khác, theo nghĩa này, tất cả mọi người đều như vậy. Tương tự với tư tưởng ánh sáng, tư tưởng gia xã hội chủ nghĩa thuộc các trường phái khác nhau, giải thích bình đẳng là xóa bỏ việc bóc lột hay sử dụng người với người, cho dù việc sử dụng đó là tàn khốc hay “nhân đạo”.

Trong xã hội chủ nghĩa tư bản ngày nay, khái niệm bình đẳng có sự thay đổi. “Bình đẳng” ngày nay là chỉ máy móc – cũng chính là bình đẳng của người mất đi cá tính. Bình đẳng nghĩa là “một mô thức” chứ không phải là sự “thống nhất”. Đó là mô thức đồng nhất trừu tượng, là một mô thức của người làm một công việc giống nhau, tìm kiếm sự hưởng thụ giống nhau, đọc cùng một loại báo chí, có tình cảm, tư tưởng giống nhau. Ở phương diện này, chúng ta nên có một cái nhìn hoài nghi phân tích những thành công được coi là tiêu chí tiến bộ trong xã hội chúng ta, tỉ như bình đẳng giới. Ở đây, tôi không nhất thiết phải nhấn mạnh việc tôi không phản đối bình đẳng giới, nhưng chúng ta không nên nhắm mắt trước một số thành quả tích cực đạt được trong bình đẳng giới. Bình đẳng giới khi sự khác biệt giữa nam và nữ biến mất. Luận điểm triết học ánh sáng – linh hồn không phân giới tính – bị lạm dụng. Hai cực của giới tính biến mất, tình dục trên cơ sở lưỡng cực này vì thế cũng biến mất. Nam giới và nữ giới hoàn toàn tương đồng, không phải do là hai cực đối lập mà bình đẳng. Xã hội hiện đại cổ vũ bình đẳng lý tưởng phi giới tính hóa, bởi vì xã hội này cần “người – nguyên tử”, những nguyên tử người này không có sự khác biệt với nhau, tập hợp lại cũng có thể phát huy tác dụng mà không có ma sát, bọn họ tuân theo cùng một mệnh lệnh, cho dù là vậy, mỗi người lại đều xác định mình hành xử theo ý nguyện cá nhân. Nó giống như sản xuất quy mô lớn trong xã hội hiện đại cần quy chuẩn hóa sản phẩm, sự phát triển của xã hội cũng yêu cầu quy chuẩn hóa con người, và nói nó là “bình đẳng”.

Thông qua quá trình đồng nhất hóa việc đạt được sự kết hợp giữa người với người vừa không mãnh liệt, cũng không kịch liệt, mà tiến hành một cách rất bình tĩnh theo một công thức cứng nhắc. Chính vì nguyên nhân này, cho nên nó luôn luôn không đủ để xoa dịu nỗi sợ hãi cô độc. Xã hội phương Tây ngày nay việc nghiện rượu, hút xách, tự tử lạm phát thành tai ương cho thấy hiệu quả có hạn của phương pháp này. Ngoài ra, phương thức này yêu cầu người tham gia chỉ cần dùng đầu óc của hắn, chứ không phải là cơ thể, vì vậy giống với hình thức phóng dục tập thể, nó cũng có nhược điểm của mình. Phương thức này chỉ có một ưu điểm: đó là nó có tình bền bỉ và sẽ không gây ra bức xúc nhất thời. Con người đến ba, bốn tuổi liền bị dẫn vào một mô thức, từ đó về sau sẽ không bị mất mối liên hệ với nhóm người. Thậm chí, một hoạt động xã hội long trọng cuối cùng của một đời người – tang lễ, cũng tuân theo mô thức này.

Tính đồng nhất không chỉ làm giảm thiểu nỗi sợ hãi, sự thay đổi tuần hoàn giữa công việc và giải trí cũng có tác dụng như vậy. Con người, là một thành viên trong đội quân lao động và tầng lớp quản lý cũng chỉ là một cái mã số mà thôi. Dường như hắn không cần đến bất cứ tính năng động chủ quan nào, nhiệm vụ của hắn là làm theo sự phân công lao động của tổ chức. Giữa lãnh đạo và người được/bị lãnh đạo dường như cũng không có sự khác biệt, bởi vì bọn họ đều đang thừa hành nhiệm vụ do cả một tổ chức quy định, không chỉ theo tốc độ quy định, mà cũng cần hoàn thành theo phương thức đã được quy định. Thậm chí các thứ tình cảm của họ, như vui vẻ, khoan dung, tín nhiệm, quyết tâm, cùng với năng lực hợp tác một cách thuận lợi của mỗi người cũng được tiên đoán trước. Phương thức giải trí của họ cho dù không bắt buộc là nhất luật, thì cũng đại đồng tiểu dị. Sách được đọc được câu lạc bộ đọc sách chọn; phim được xem là do ông chủ rạp phim và nhà quảng cáo do họ bỏ tiền ra quy định; các phương thức giải trí khác cũng vậy: chủ nhật lái xe đi du lịch, xem phim, chơi bài và hoạt động xã giao. Từ sinh tới tử, từ thứ hai tới chủ nhật, từ sớm tới tối – tất cả những hoạt động đều một điệu và tiến hành theo phương thức đã được dự tính trước. Xin hỏi: Một kẻ bị bủa vây bởi trăm thứ bà nhằng này, làm thế nào để anh/cô ta không quên mình là một con người, một con người chỉ sống một lần, chỉ có cơ hội sống một lần, một con người có thể trải nghiệm những qua hy vọng, thất vọng, lo lắng và sợ hãi, một con người với khát vọng yêu đương, nhận ra sự hư vô và sự uy hiếp của nỗi niềm cô độc đây?
Khả năng thứ ba để đạt được sự thống nhất hài hòa là lao động sáng tạo, bất luận lao động của nghệ thuật gia hay thợ thủ công nghiệp đều thuộc loại lao động này. Trong mỗi sự lao động có tính sáng tạo, sản phẩm cùng người tạo ra nó – vật chất quanh thế giới xung quanh của con người đạt đươc sự nhất trí. Bất luận, người thợ mộc làm ra một chiếc bàn, hay người thợ kim hoàn làm ra một món đồ trang sức, bất luận người nông dân trồng lúa, hay người họa sỹ vẽ tranh – trong mỗi lao động có tính sáng tạo, người lao động và đối tượng được tạo ra hợp nhất, con người đạt được sự đồng nhất với thế giới trong quá trình hắn sáng tạo. Nhưng điểm này chỉ thích hợp với lao động theo kế hoạch tự mình vạch ra, tiến hành và nhìn thấy thành quả lao động. Nhưng theo trình tự công việc hiện đại hóa của một viên chức, một công nhân đứng máy dường như đã không còn đặc điểm này trong lao động. Người lao động trở thành máy móc hoặc là một bộ phận trong hệ thống quan liêu, hắn không còn là “chính mình” nữa – bởi người lao động ngoài việc thích ứng với xã hội, hắn không còn khả năng đạt được sự ăn khớp với xã hội, mà chỉ là sự đồng hóa.

Sự thống nhất đạt được thông qua lao động có tính sáng tạo không phải là sự thống nhất giữa người với người. Sự thống nhất đạt được thông qua phóng dục là ngắn hạn. Sự thống nhất thông qua sự đồng hóa với một nhóm người và thích ứng với nhóm người này chỉ là một thứ thống nhất giả tạo. Lời giải đúng và toàn diện đối với vấn đề tồn tại của nhân loại là thực hiện thống nhất giữa người với người thông qua tình yêu.

Nhu cầu thực hiện sự kết hợp giữa người với người là sự truy cầu mãnh liệt nhất trong nội tâm con người. Đó là nhu cầu cơ bản nhất của nhân loại, là sức mạnh kết nối nhân loại, bộ lạc, gia đình và xã hội lại với nhau. Không thực hiện được nó nghĩa là sẽ cuồng dại hoặc hủy hoại – hủy hoại chính mình hoặc hủy hoại tha nhân. Không có tình yêu, nhân loại không thể tồn tại nổi một ngày. Nhưng nếu chúng ta gọi sự kết hợp giữa người với người là “ái tình”, chúng ta sẽ gặp phải vấn đề hóc búa. Có thể thông qua phương thức khác nhau để đạt được sự kết hợp – điểm tương đồng giữa sự khác biệt của những phương thức này cùng hình thức khác nhau của ái tình dường như quan trọng như nhau. Vậy thì chúng ta có thể coi tất cả các phương thức này là “ái tình” được hay không? Hay chỉ coi tình yêu là một hình thức kết hợp cứng nhắc, hình thức này được tất cả mọi người trong hệ thống tôn giáo chủ nghĩa nhân đạo và triết học coi là chuẩn mực cao nhất trong lịch sử gần bốn ngàn năm phương Đông và phương Tây, có được không?

Cũng giống tất cả việc thảo luận ý nghĩa câu chữ, với vấn đề này sẽ có những đáp án khác nhau. Nhưng chỉ có một điểm quan trọng, đó là khi chúng ta bàn luận về tình yêu, nên biết hình thức kết hợp nào mà chúng ta đang nói tới. Chúng ta coi tình yêu là câu trả lời thành thục đối với vấn đề tồn tại của nhân loại, hay ám chỉ hình thức chưa thành thục của tình yêu, nó cũng chính là cái mà con người gọi nó là sự kết hợp thể hữu cơ cộng sinh đây? Dưới đây, tôi coi cái trước là tình yêu, nhưng cái chúng ta thảo luận lại bắt đầu từ cái sau.

Mô hình sinh vật thể hữu cơ cộng sinh là mối quan hệ giữa thai nhi và người mẹ. Họ vừa là hai thể, lại vừa là nhất thể. Họ sống cùng nhau (cộng sinh), họ cần đến nhau. Thai nhi là một phần của người mẹ, và nó có được mọi thứ cần thiết từ người mẹ, vì vậy người mẹ là thế giới của nó. Người mẹ chăm sóc, bảo vệ thai nhi, đồng thời cuộc sống của bà cũng được thăng hoa nhờ sự tồn tại của nó. Tính sinh lý của sự kết hợp thể hữu cơ cộng sinh, hai cơ thể không dựa dẫm vào nhau, nhưng lại dựa dẫm nhau về tâm lý.

Hình thức tiêu cực của sự kết hợp thể hữu cơ cộng sinh là phục tùng – thuật ngữ y học chính là chứng ham muốn được hành hạ. Người bị hành hạ thông qua việc biến mình thành một phần của người dẫn nhập, người gợi ý, người bảo vệ của hắn, nhằm thoát khỏi cảm giác cô độc và khoảng cách với thế giới. Người bảo hộ là cuộc sống của hắn, không có người bảo hộ hắn không có cách nào để tồn tại. Bất luận người bảo hộ là con người hay thần thánh, tóm lại uy lực của hắn vượt trên tất cả. Hắn chi phối tất cả, còn mình không là gì cả, kẻ bị hành hạ buộc phải trở thành một phần của người bảo hộ, bởi chỉ có như thế hắn mới có thể tận hưởng được sự vĩ đại, uy lực và an toàn của người bảo hộ. Kẻ bị hành hạ chưa từng ra quyết định hay mạo hiểm điều gì, hắn không bao giờ cô độc, nhưng cũng không độc lập. Hắn không phải là một con người hoàn chỉnh, có thể nói hắn vẫn chưa hoàn toàn được sinh ra, trong ngôn ngữ tôn giáo gọi đối tượng được sùng bái là thần tượng, nhưng sự sùng bái của kẻ bị hành hạ đối với người bảo hộ của hắn còn vượt qua cả sự sùng bái thần tượng. Loại sùng bái này có thể là sự hỗn hợp nhu cầu sinh lý và tình dục, trong trường hợp này, sự phục tùng của kẻ bị hành hạ không chỉ là thứ trong tưởng tượng, mà nó còn là loại nhu cầu sinh lý liên quan tới toàn cơ thể. Ngoài ra, còn triệu chứng bệnh khuất phục trước số phận, bệnh tật, thứ âm nhạc có nhịp điệu, hoặc khuất phục trước trạng thái hưng phấn cực độ do thuốc phiện hay thôi miên mang lại, v.v… – trong những trường hợp này, kẻ mang bệnh mất đi tính hoàn chỉnh của hắn, biến mình thành một người khác hoặc công cụ của một vật nào đó; từ đó làm cho hắn không cần phải trả lời vấn đề tồn tại một cách độc lập và tự do nữa.

Hình thức tích cực của thể hữu cơ cộng sinh là khống chế một người khác – ngược lại với kẻ bị hành hạ, thuật ngữ y học gọi là kẻ hành hạ. Kẻ hành hạ thông qua việc biến người khác thành một phần của mình, từ đó thoát khỏi sự cô độc, hắn nuốt chửng kẻ sùng bái hắn, làm cho giá trị của mình tăng lên trăm lần.

Cũng giống như kẻ bị hắn khống chế không thể thoát khỏi hắn, kẻ hành hạ cũng không rời khỏi được người sùng bái hắn, hai bên đều không thể mất nhau. Sự khác biệt chỉ nằm ở – kẻ hành hạ ra lệnh, lợi dụng, gây hại, và trấn áp đối phương, còn đối phương thì vui vẻ để hắn thao túng. Từ góc độ thực tế, dường như giữa họ tồn tại sự khác biệt rất lớn, nhưng ý nghĩa sâu sa nhất thì sự khác biệt giữa họ không quan trọng bằng điểm tương đồng, điểm tương đồng giữa họ là trong quá trình kết hợp hai bên đều mất đi tính độc lập và tính hoàn chỉnh. Nếu như chúng ta hiểu điều này, không khó để khẳng định rằng, một người sẽ căn cứ vào những đối tượng khác nhau mà đưa ra phản ứng tương ứng của kẻ hành hạ hay bị hành hạ. Đối với người khác, trước tiên Hitler là kẻ hành hạ, nhưng trước “uy lực’ của số phận, lịch sử và tự nhiên, phản ứng của hắn lại là phản ứng của kẻ bị hành hạ. (Cf. a more detailed study of sadism and masochism in E. Fromm, Escape from Freedom, Rinehart & Company, New York, 1941.)

Đối lập với sự kết hợp thể hữu cơ cộng sinh là tình yêu trưởng thành, đó là trong điều kiện giữ được tính hoàn chỉnh và độc lập của mình, cũng chính là cá tính của mình, hợp nhất với tha nhân. Tình yêu của con người là sức mạnh tích cực, sức mạnh này có thể đâm thủng bức tường ngăn cách giữa con người với con người, và làm cho con người kết hợp lại. Tình yêu có thể làm cho người ta khắc phục được sự cô đơn và cảm giác xa cách với thế giới. Trong tình yêu xuất hiện hiện tượng lạ, đó là hai sinh mệnh hợp nhất, nhưng vẫn duy trì lưỡng thể.

Nếu như chúng ta nói, tình yêu là một “hoạt động tích cực”, chúng ta gặp ngay phải vấn đề ý nghĩa song trùng của từ này. Theo nghĩa hện đại, nó chỉ hành vi con người thông qua lao động thay đổi trạng thái hiện thời. Vì vậy người buôn bán, người học y, công nhân nhà máy, thợ mộc hoặc vận động viên đều là người có hoạt động tích cực. Điểm chung giữa họ đều là đạt được một mục đích bên ngoài. Nhưng ở đây chúng ta đều chưa nghĩ tới căn nguyên phát sinh tính tích cực. Chúng ta có thể lấy một ví dụ để làm sáng tỏ. Một người do nội tâm bất an hoặc cô độc mà làm việc một cách điên cuồng, có người lại vì thăng quan tiến chức. Trong trường hợp này, người đó là một loại nô lệ của sự nhiệt tình và cuồng nhiệt, còn thực tế “tính tích cực” lại là “tính tiêu cực”, bởi hắn bị điều khiển bởi yếu tố bên ngoài. Hắn là một kẻ chịu khổ, chứ không phải là con người “hành động”. Mặt khác, con người luôn coi một kẻ trầm tư mặc tưởng, quan sát và thể nghiệm chính mình và mối quan hệ giữa mình với thế giới trên ghế kia là “tiêu cực”, bởi hắn chẳng “làm” gì cả. Trên thực tế, sự tập trung tinh thần một cách cao độ như vậy mới là tích cực nhất, đó là tính tích cực của linh hồn, chỉ có những người nội tâm tự do và độc lập mới có thể làm được. Một ý nghĩa của khái niệm “hoạt động tích cực”, ý nghĩa có tính ứng dụng hiện đại, nhằm chỉ nỗ lực bỏ ra để đạt được mục đích bên ngoài. Một nghĩa khác của từ này là sự vận dụng sức mạnh nội tại tiềm tàng trong con người, bất luận có đạt được sự biến hóa bên ngoài hay không. Spinoza đã giải thích một cách thấu triệt ý nghĩa thứ hai của từ này. Ông chia cảm xúc làm hai loại gồm tích cực và tiêu cực, phân loại “hành động” và “cuồng nhiệt”. Nếu như một người hành động dưới sự chị phối của cảm xúc tích cực, thì hắn tự do, hắn làm chủ cảm xúc. Nếu như hắn bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực, thì hắn bị điều khiển bởi ngoại lực, chính hắn cũng là đối tượng không hiểu vì động cơ gì. Như vậy, cuối cùng Spinoza đưa ra kết luận, đức hạnh và khả năng chế ngự mình là một kiểu. Đố kị, dã tâm và các biểu hiện của tham lam là nhiệt tình và cuồng nhiệt; ngược lại, tình yêu là một loại hành động, vận dụng sức mạnh của con người, sức mạnh này chỉ có thể phát huy trong môi trường tự do, lại luôn luôn là thứ không áp đặt.

Tình yêu là thứ tình cảm tích cực, chứ không phải tiêu cực, là thứ sinh ra trong nội tâm con người chứ không phải là thứ tình cảm bị trói buộc. Nói chung, có thể dùng một cách biểu đạt khác, đó là, trước tiên tình yêu là cho chứ không phải nhận.

Thế nào là “cho”? Vấn đề này tưởng dễ trả lời, thực tế thì phức tạp và còn có hai tầng nghĩa. Một hiểu lầm rất phổ biến coi “cho” nghĩa là buông bỏ, bị người khác cướp mất hoặc là sự hy sinh. Một người mà tính cách còn chưa vượt qua giai đoạn đón nhận, lợi dụng hay tham lam sẽ lý giải như vậy. Một người đang “trọng thương” cũng chuẩn bị cho đi, nhưng nhất định phải thông qua trao đổi. Chỉ “cho” mà không được “nhận” đối với hắn mà nói là một sự lừa gạt. Những người mà về cơ bản có kết cấu tính cách phi sáng tạo lại có cảm giác như bị người khác lấy mất đồ. Bởi vậy số đông những người thuộc loại này cự tuyệt với việc cho người khác. Nhưng lại cũng có những người coi “cho” là đức hạnh hy sinh bản thân. Họ cho rằng, chính bởi “cho” là sự thống khổ, nên phải làm vậy. Đức hạnh của cho chính là chuẩn bị hy sinh, đối với họ mà nói, một chuẩn mực là “cho” tốt hơn “nhận”, lại có nghĩa rằng thà chịu đựng tổn hại cũng không chịu tận hưởng niềm vui.

Người có tính sáng tạo lại có lý giải việc “cho” hoàn toàn khác. Họ cho rằng “cho” là biểu hiện cao nhất của sức mạnh, thông qua “cho”, tôi mới thể nghiệm được sức mạnh của mình, “sự giàu có” của tôi, “sức sống” của tôi. Thể nghiệm được sự thăng hoa của sức sống làm cho tôi tràn trề niềm vui. Tôi cảm giác thấy mình tràn đầy sinh khí, vì thế mà vui sướng vạn phần. “Cho” đem tới niềm vui nhiều hơn “nhận”, đây không phải bởi “cho” là sự hy sinh, mà bởi thông qua “cho” tôi diễn đạt sức sống của mình.

Không khó để nhận ra tính hữu hiệu của nguyên tắc này nến ta dùng nó để giải thích những hiện tượng đặc thù. Ví dụ cơ bản nhất có thể tìm thấy trong phạm trù tình dục. Đỉnh cao hành vi tình dục của nam giời chính là hành vi cho: Nam giới trao bộ phận sinh dục của mình cho người nữ, trong khoảnh khắc cao trào, anh ta mang tinh dịch tới cho đối phương. Chỉ cần anh ta không liệt dương, anh ta phải làm như thế. Nếu anh ta không thể cho, anh ta liệt dương. Nữ giới cũng vậy, chỉ là hình thức thể hiện phức tạp hơn chút mà thôi. Người nữ trao mình đi, cô mở toang cánh cửa hướng vào bên trong mình, đồng thời với đón nhận, cô cũng cho đi, nếu như cô không có khả năng cho, mà chỉ nhận, cô là kẻ lãnh cảm tình dục. Hành vi cho còn được biểu hiện trên cơ thể người nữ qua khả năng làm mẹ. Cô lấy dưỡng chất của mình để nuôi cái thai trong bụng, cho bú và đem tới cho đứa trẻ hơi ấm của người mẹ.

Trong phạm trù thế giới vật chất, cho là của cải. Không phải người sở hữu vật chất là giàu có, mà người đem đi cho kẻ khác mới là người giàu có. Một kẻ keo kiệt chỉ sợ thiệt mình, cho dù hắn ta sở hữu nhiều tài sản chăng nữa, từ góc độ tâm lý học, anh ta là một kẻ nghèo khó và đáng thương. Người sẵn sàng đem thứ của mình cho người khác lại giàu có, hắn cảm thấy mình là người có khả năng giúp đỡ người khác. Chỉ có người mà ngay cả đến những vật dụng cơ bản cũng không có mới không thể nào thể nghiệm được niềm vui giúp đỡ người khác. Nhưng kinh nghiệm cuộc sống nói cho ta biết rằng, tiêu chuẩn đánh giá một người có đủ nhu yếu phẩm sinh hoạt hay không vừa phụ thuộc vào tài sản thực tế, lại vừa phụ thuộc vào tính cách của người đó. Mặc dù vậy, nếu sự khốn khó vượt quá một mức độ nào đó, nó luôn làm cho nhiều người không thể nào cho đi, ở điểm này thật làm người ta ngao ngán – nó không chỉ bởi sự khốn khó của người nghèo trong đó, đồng thời cũng bởi người nghèo bị lấy mất thứ đem lại cho họ niềm vui.

Nhưng điều quan trọng nhất trong phạm trù cho vẫn không phải là phạm trù vật chất, mà là phạm trù mối quan hệ giữa người với người. Một người có thể cho người khác cái gì đây? Hắn có thể cho đi thứ quý giá nhất của hắn, một phần cuộc sống của hắn. Nhưng đây không nhất định bắt buộc hắn phải hiến dâng cuộc sống của mình cho kẻ khác, mà là hắn nên cho kẻ khác thứ có sức sống trong nội tâm của hắn. Hắn nên chia sẻ với người khác niềm vui, sở thích, tri thức, sự hài hước và cả nỗi đau của mình – nói tóm lại là những thứ có sức sống trong người hắn. Thông qua sự cho của hắn, hắn làm phong phú tha nhân, đồng thời gia tăng cảm giác sống của mình, và như thế cũng là làm tăng cảm giác sống của đối phương. Hắn cho đi không phải để nhận lại, nhưng thông qua sự cho đi của hắn, không thể tránh khỏi việc đánh thức dậy một thứ gì đó có sức sống trong người mình. Vì vậy, cùng với việc cho đi, nó cũng làm cho người được nhận cũng trở thành người cho, và hai bên, bởi một thứ gì đó trong nội tâm được đánh thức mà cảm thấy tràn đầy niềm vui. Trong hành vi cho nảy sinh một thứ mới, cả người cho và người nhận đều sẽ cảm tạ nguồn sức mạnh mới này. Điểm này thể hiện trên tình yêu, đó là: Không có sức sống nghĩa là không có khả năng sáng tạo tình yêu. Marx đã biểu đạt tư tưởng trên một cách đẹp đẽ. Ông nói: “Nếu bạn nghĩ con người là mối quan hệ giữa người với người cùng thế giới là điều điều kiện tiên quyết của mối quan hệ đầy tình người, vậy bạn chỉ có thể dùng tình yêu để đổi lấy tình yêu, dùng lòng tin đổi lấy lòng tin. Nêu bạn muốn thưởng thức nghệ thuật, bạn phải là người có tu dưỡng về nghệ thuật; nếu bạn muốn gây ảnh hưởng với người khác, bạn phải là người có thể thúc đẩy và cổ vũ người khác. Mỗi mối quan hệ của bạn với người và tự nhiên phải là một đặc tính trong cuộc sống chân chính của bạn, phù hợp với biểu hiện đối tượng ý chí của bạn. Nếu bạn yêu người khác, nhưng không thể đánh thức dậy tình yêu của người đó, tình yêu của bạn không thể làm đối phương nảy sinh tình yêu, nếu người đang yêu là bạn không thể biến mình thành một người được yêu, thì tình yêu của bạn là yếu đuối, bất lực, là một sự bất hạnh.” “Cho” trong tình yêu không chỉ là “nhận”. Việc thầy/cô giáo học tập học trò mình, người diễn viên nhận được sự cổ vũ của khán giả, bác sĩ phân tích tinh thần thông qua chữa trị người bệnh của mình, cũng đồng thời trị bệnh cho chính mình, điều kiện tiên quyết là người cho không nên coi đối tượng là người hắn giúp đỡ, mà nên thiết lập mối quan hệ mật thiết chân chính, có tính sáng tạo với đối phương.

Có hay không khả năng coi tình yêu là hành vi cho phụ thuộc sự phát triển tính cách của người đó, sự thực này dường như không cần phải nhấn mạnh thêm nữa. Điều kiện tiên quyết để đạt được khả năng này là con người phải có khuynh hướng sáng tạo chiếm địa vị chủ đạo. Người có thái độ này sẽ khắc phục được tính ỷ lại, tự mãn và ham muốn bóc lột người khác của hắn, đồng thời tìm được chỗ dựa sức mạnh nhân tính của mình và dũng khí để đạt được mục đích. Nếu như thiếu những đặc điểm này, con người sẽ sợ hiến dâng mình, đồng thời chính là sợ yêu.

Tính tích cực của tình yêu ngoài yếu tố cho, vẫn còn một số yếu tố cơ bản khác, những yếu tối này chung cho tất cả hình thức yêu khác, đó chính là: quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng và nhận thức.

Yếu tố quan tâm biểu hiện trội nhất trong tình yêu của người mẹ. Nếu như có một bà mẹ cự tuyệt cho đứa trẻ ăn, tắm và quan tâm sức khỏe của nó, thì bất luận người mẹ này có cường điệu tình yêu của bà ta với đứa trẻ như thế nào đi chăng nữa, cũng không ai tin bà ta. Nếu như bà ta quan tâm đứa trẻ, tình yêu của bà làm người ta tin tưởng. Tình yêu đối với động-thực vật cũng vậy. Nếu có một người đàn bà nói với chúng ta bà rất yêu hoa, nhưng chúng ta lại phát hiện bà ta quên tưới nước cho hoa, chúng ta sẽ không tin lời bà ta nói. Tình yêu là sự quan tâm tính cực đối với sự sống và vật mà chúng ta yêu sinh ra. Nếu thiếu sự quan tâm tích cực này, thì nó chỉ là một cảm xúc, chứ không phải tình yêu. Yếu tố này của tình yêu được mô tả rất hay trong sách Jonah. Thượng đế cử Jonah tới Nineveh, tuyên bố với cư dân ở đó rằng nếu bọn họ không cải tà quy chính, bọn họ sẽ phải chịu sự trừng phạt. Nhưng Jonah không muốn thừa hành sứ mệnh này, ông ta chạy chốn, bởi ông ta sợ cư dân của Nineveh sẽ hối lỗi mà xin sự tha thứ của Thượng đế. Jonah là người chấp pháp nghiêm khắc, nhưng không phải là người yêu thương con người. Trên đường chạy trốn, ông ta phát hiện mình trốn trong bụng của một con cá lớn, con cá này tượng trưng cho sự cách biệt và giam cầm, chính bởi Jonah thiếu lòng nhân ái và sự đồng cảm nên mới bị tống vào đó. Thượng đế cứu ông ta, Jonah tới Nineveh, chuyển lời của Thượng đế tới cư dân ở đó, quả đúng như lo lắng của Jonah, cư dân Nineveh hồi tầm chuyển ý, thành kính sám hối, Thượng đế tha thứ cho họ và đồng ý không làm chìm thành. Jonah cảm thấy không vui và thất vọng, điều ông ta muốn nhìn thấy là “chính nghĩa” chứ không phải lòng nhân ái. Cuối cùng ông ta ngồi dưới bóng một cái cây và tìm lại sự tĩnh tại đã mất. Cây này do Thượng đế làm cho nó cao lên để che nắng cho Jonah. Lúc này, Thượng đế lại làm cho nó chết khô, Jonah rất đỗi ủ rũ, oán than Thượng đế. Thượng đế đáp: “Ngươi tiếc cho một cái cây lớn trong một đêm và chết trong một đêm, mặc dù ngươi không chăm sóc, cũng không quan tâm nó. Vì sao ta lại không thể thương xót mười hai vạn cư dân tốt xấu bất phân trong thành Nineveh và rất nhiều động vật khác đây?” Thượng đế giải thích với Jonah, bản chất của tình yêu là sáng tạo và nuôi dưỡng, tình yêu và lao động là không thể tách rời. Con người yêu thành quả lao động của mình, con người lao động vì những thứ mà họ yêu.

Quan tâm còn bao gồm một phương diện khác của tình yêu đó là trách nhiệm. Ngày nay con người thường lý giải trách nhiệm là nghĩa vụ, là thứ áp đặt bên ngoài. Nhưng ý nghĩa ban đầu của từ này chỉ một hành động hoàn toàn tự nguyện, là lời đáp cho nguyện vọng được biểu đạt hoặc chưa biểu đạt của tôi đối với một sinh mệnh khác. “Có trách nhiệm” nghĩa là có khả năng và chuẩn bị trả lời những nguyện vọng đó. Jonah không có trách nhiệm đối với cư dân Nineveh, giống như Cain, ông cũng đặt ra một câu hỏi như vậy: “Lẽ nào tôi phải là người trông coi em trai tôi?” Câu trả lời của một người có tình yêu là, sinh mệnh anh em tôi không chỉ quan hệ tới hắn, mà nó cũng quan hệ tới tôi. Chúng ta phải có trách nhiệm với người khác, giống như trách nhiệm với bản thân mình. Trách nhiệm này trong mối quan hệ mẹ con chủ yếu được biểu hiện ở sự quan tâm của người mẹ đối với nhu cầu sinh lý của đứa trẻ. Giữa những người trưởng thành với nhau, nó còn bao gồm cả sự quan tâm tới nhu cầu tinh thần của đối phương.

Nếu như tình yêu không có yếu tố thứ ba: tôn trọng, thì tính trách nhiệm đó rất dễ biến thành sự khống chế và nô dịch người khác. Tôn trọng người khác không phải là sợ họ. Xuất phát điểm của từ này là có khả năng coi trọng đối phương và nhận thức cá tính của hắn một cách cầu thị. Tôn trọng chính là nỗ lực làm cho đối phương trưởng thành và phát triển bản thân hắn, do đó tôn trong quyết không có ý bóc lột. Tôi hy vọng người tôi yêu nên trưởng thành theo cách của mình và vì mình, chứ không phải phục vụ cho tôi. Nếu như tôi yêu tha nhân, tôi nên nhất trí với hắn, đồng thời chấp nhận bản lai diện mục của hắn, chứ không phải yêu cầu hắn trở thành cách mà ta hy vọng nhằm biến hắn thành kẻ mà ta có thể sử dụng. Chỉ khi tôi đạt được sự độc lập của mình, trong trường hợp không có sự tiếp sức bên ngoài, đi con đường của mình, vừa không muốn khống chế và lợi dụng người khác, chỉ có như vậy, sự tôn trọng đối phương mới có thể trở nên khả dĩ. Chỉ trên cơ sở tự do mới có thể có tình yêu, giống như một câu hát trong một ca khúc Pháp xa xưa, “Tình yêu là đứa con của tự do, mãi mãi không phải là sản phẩm của sự khống chế”. (l’amour est l’enfant de la liberté)

Con người chỉ khi nhận thức đối phương, hiểu đối phương mới có thể tôn trọng đối phương. Nếu như không dựa trên cơ sở hiểu biết, sự quan tâm và trách nhiệm đều sẽ trở nên mù quáng, và nếu sự tìm hiểu đối phương không phải xuất phát từ góc độ quan tâm, sự tìm hiểu này cũng vô ích. Phương thức tìm hiểu có nhiều dạng. Là một trong những yếu tố của tình yêu, sự hiểu biết phải đi sâu vào bên trong sự vật, chứ không phải là sự thỏa mãn nửa vời. Chỉ khi dùng nhãn quan của tha nhân nhìn người đó, và đặt sự hứng thú của mình xuống thứ yếu tôi mới có thể hiểu biết đối phương. Tỉ như: Tôi có thể biết được người này đang nổi giận dù người đó không bộc lộ ra ngoài. Nhưng tôi vẫn có thể tìm hiểu người đó thêm một bước nữa, sau đó sẽ biết hắn đang sợ hãi và bất an, hắn cảm thấy cô độc và day dứt lương tâm. Như thế tôi hiểu rằng sự giận dữ của hắn chỉ là sự phản ánh thứ gì đó sâu sa trong nội tâm, lúc này, hắn trong mắt tôi không còn là một người nổi giận nữa mà là một người đang chịu khổ trong sự sợ hãi và bất an.

Tìm hiểu cùng với tình yêu còn mối một quan hệ cơ bản khác. Hy vọng kết hợp cùng một người khác để thoát khỏi sự giam cầm của nỗi cô độc có mối liên hệ mật thiết với một nguyện vọng hoàn toàn phù hợp với nhân tính khác, đó chính là nhận thức “bí mật của con người”. Nhìn sinh mệnh từ góc độ thuần sinh vật là một kỳ tích và bí mật, còn trong phạm vi con người, mỗi người là một bí mật không lời giải đáp với mình và với người khác. Chúng ta nhận thức mình, nhưng cho dù đã nỗ lực hết sức chúng ta vẫn không nhận thức được mình, chúng ta nhận thức tha nhân, nhưng chúng ta vẫn không nhận thức được tha nhân, bởi chúng ta và họ đều không phải vậy. Chúng ta càng đi sâu vào nơi sâu thẳm của mình hoặc người khác, chúng ta lại càng xa ra khỏi mục tiêu nhận thức sinh mệnh. Dù vậy, chúng ta không thể ngăn cản sự đi sâu tìm hiểu bí mật linh hồn con người này, tìm hiểu điểm cốt yếu của con người, và nguyện vọng “tự mình” sẽ tiếp tục tồn tại.

Khả năng có một loại có thể nhận thức bí mật này làm con người tuyệt vọng – đó chính là có quyền lực tuyệt đối nắm bắt đối phương, lợi dụng quyền lực này tôi có thể chi phối hắn một cách tùy ý, làm cho hắn phải cảm nhận, suy nghĩ theo ý chí của tôi, biến hắn thành một thứ của tôi, thành tài sản của tôi. Biểu hiện rõ nhất ở mặt này chính là cách làm mang tính cực đoan của kẻ hành hạ, kẻ hành hạ yêu cầu đồng thời làm cho một người phải chịu khổ, hắn dày vò và ép buộc người đó tiết lộ bí mật. Ý muốn phát hiện bí mật của con người là động cơ của kẻ bạo hành và phá hoại. Isaac Babel đã nói rất rõ ràng về quan điểm này. Ông ta đã trích dẫn câu nói của một sĩ quan trong cuộc nội chiến Nga, người sĩ quan này vừa mới đánh chết chủ nhân trước đây của hắn. Viên sĩ quan nói: “Với một viên đạn – tôi muốn nói – với một viên đạn chỉ có thể kết liễu tên này… bóp cò mãi mãi không thể nào thâm nhập vào linh hồn của hắn, đi tới nơi mà hắn là một con người có linh hồn. Nhưng tôi không chút do dự, tôi đã đá chết kẻ thù, mỗi lần đều vượt quá một giờ đồng hồ. Anh biết không – tôi muốn biết, rút cục sinh mệnh là cái gì, sinh mệnh mà chúng ta gặp hàng ngày rút cục là cái gì?” (I. Babel, The Collected Stories, Criterion Book, New York, 1955)

Chúng ta luôn luôn bắt gặp con đường tắt đi tới tri thức này thông qua đứa trẻ. Đứa trẻ tiện tay cầm một vật gì đó, làm hỏng nó để dễ dàng nhận biết vật đó. Tỉ như, nó bắt được con bướm, liền bẻ gãy cánh một cách rất tàn nhẫn, nó muốn tìm hiểu con bướm, bắt nó phải giao nộp bí mật của mình ra. Trong hành động tàn bạo này có một động cơ khá sâu sa: đó chính là hy vọng nhận thức được bí mật của sự vật và sự sống.

Một con đường khác nhận thức bí mật này là tình yêu. Tình yêu là sự thâm nhập sâu vào đối phương một cách tích cực. Trong quá trình này, tôi hy vọng yêu cầu của việc tìm hiểu bí mật thông qua sự kết hợp để đạt được sự thỏa mãn. Trong quá trình kết hợp này, tôi biết đối phương, biết mình, biết tất cả mọi người, nhưng vẫn “nhất vô sở tri” – không biết gì cả. Sự hiểu biết của tôi đối với sinh mệnh không phải thông qua tri thức được truyền đạt, mà thông qua phương thức duy nhất mà con người có thể sử dụng – thông qua sự kết hợp người với người. Kẻ hành hạ được sinh ra để tìm hiểu bí mật, nhưng vô sở đắc – không đạt được gì. Tôi đem sinh mệnh chia thành từng mảnh từng mảnh, cái tôi có thể đạt được chính là phá hoại sinh mệnh này. Chỉ có tình yêu mới đem đến cho tôi tri thức, trả lời cho vấn đề tôi đưa ra trong quá trình kết hợp. Trong tình yêu, trong sự hiến dâng, trong lúc thâm nhập vào đối phương, tôi tìm thấy mình, nhận ra mình, nhận ra cả hai, nhận ra con người.

Lời khuyên “Nhận thức chính bạn” của Delphic diễn đạt nguyện vọng muốn nhận thức mình và người khác của chúng ta. Đây là ngọn nguồn của toàn bộ tâm lý học. Bởi nguyện vọng này là muốn nhận thức một con người hoàn chỉnh, nhận thức bí mật sâu sa nhất trong nội tâm hắn, vì vậy không thể thỏa mãn nguyện vọng này bởi kiến thức dạy dỗ thông thường. Dù chúng ta có biết về mình gấp trăm, ngàn lần so với hiện tại đi chăng nữa, cũng không thể nào đi sâu vào thứ bản chất nhất trong sự vật. Chúng ta là điều bí mật ngay cả với chính mình, người khác cũng sẽ mãi là điều bí mật với chúng ta. Con đường duy nhất để đạt được sự hiểu biết với con người là nhận thức về tư tưởng, tri thức tâm lý học cũng chính là điều kiện để có được sự hiểu biết toàn diện thông qua tình yêu. Tôi phải nhận thức đối phương và cả mình một cách khách quan, đủ cho mình có thể thấy được trạng thái thực của đối phương hoặc khắc phục được suy diễn, khắc phục được bức tranh méo mó về hắn trong tưởng tượng của tôi. Chỉ khi tôi nhận thức một người một cách khách quan, tôi mới có thể hiểu bản chất thực của hắn trong tình yêu. (Quan điểm này nảy sinh kết quả quan trọng tác dụng của tâm lý học đối với văn hóa phương Tây đương đại. Sự phổ cập của  tâm lý học thể hiện rõ sự hứng thú đối với tri thức về mối quan hệ con người với con người, đồng thời cũng che đậy sự thiếu thốn tình yêu trong quan hệ con người ngày nay. Bởi vậy, tri thức tâm lý học là một sự bổ sung cho tri thức toàn diện của hoạt động yêu, chứ không chỉ là một bước đi trên phương diện này.)

Vấn đề nhận thức con người tồn tại song song với vấn đề nhận thức Thượng đế trong tôn giáo. Trong thần học phương Tây truyền thống, con người cố gắng nhận thức Thượng đế từ đó đưa ra phán đoán đối với Thượng đế trên tư tưởng. Trong chủ nghĩa thần bí (dưới đây, tôi sẽ cố gắng giải thích, chủ nghĩa thần bí là sản vật cực đoạn của chủ nghĩa đơn thần), đã từ bỏ nhận thức Thượng đế qua tư tưởng, thay thế là sự thể nghiệm kết hợp với Thượng đế, trong sự kết hợp này, Thượng đế đã không còn tồn tại nữa, bởi vậy cũng không cần thiết phải tìm hiểu Thượng đế nữa.

Thể nghiệm sự kết hợp với con người hoặc biểu đạt qua ngôn ngữ tôn giáo – kết hợp cùng Thượng đế – quyết không phải là phi lý. Ngược lại, như Albert Schweitzer (Albert Schweitzer (1875-1965), nhà thần học Đức, nhạc gia, bác sĩ và triết học gia, ông hành y thời gian dài tại châu Âu, cả đời dành tâm huyết cho sự nghiệp hòa bình, đề xướng chủ nghĩa nhân đạo, giải Nobel hòa bình năm 1952, có danh vọng rất cao ở Âu – Mỹ), kết luận chủ nghĩa lý tính dũng cảm nhất và cấp tiến nhất. Cơ sở đưa ra kết luận này là bởi vì chúng ta nhận thức được rằng, tri thức mà bộ não con người tiếp nhận được là có hạn, và giới hạn này không phải là ngẫu nhiên. Ngoài ra chúng ta còn biết, chúng ta mãi mãi không thể biết bí mật con người và vũ trụ dựa vào trí khôn, nhưng có thể nắm bắt nó thông qua tình yêu. Là một bộ môn khoa học, tâm lý học có tính giới hạn của nó. Giống như kết luận logic của thần học là chủ nghĩa thần bí, kết luận cuối cùng của tâm lý học đó chính là tình yêu.

Quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng và nhận thức có mối quan hệ tương hỗ. Có thể nhận thấy sự biểu hiện tập trung của những thái độ này trên người trưởng thành. Người trưởng thành là chỉ người có đủ khả năng phát huy sức mạnh của mình một cách sáng tạo. Người trưởng thành chỉ muốn sở hữu thành quả lao động của hắn, từ bỏ ảo tưởng đạt được hoàn toàn sức mạnh và trí tuệ, đồng thời có thái độ khiêm tốn. Cơ sở của thái độ này là sức mạnh nội tâm của hắn, chỉ với sức mạnh này đã có thể giúp hắn lao động một cách chân chính và sáng tạo.

Ở trên, tình yêu tôi đề cập tới là chỉ khắc phục sự cô đơn của con người và hiện thực sự kết hợp giữa người với người. Ngoài yêu cầu có tính phổ biến, quan hệ đến vấn đề tồn tại của con người, còn một yêu cầu có tính sinh vật hơn: đó là sự kết hợp âm – dương, đực – cái. Tư tưởng của sự kết hợp lưỡng cực này, trong thần thoại dưới đây biểu hiệ rất rõ: nguyên người nam và nữ là nhất thể, nhưng nhất thể này bị chia làm hai. Từ đó về sau, người nam bắt đầu tìm kiếm bộ phận nữ tính bị mất đi, để kết hợp với cô thành nhất thể. (Trong Thánh kinh, cũng có cách nói tương tự, đó là Eve là một rẻ sương sườn trên người Adam. Rõ ràng câu chuyện này nói lên tư tưởng hệ thống xã hội phụ hệ, người nữ thuộc về người nam.) Ý nghĩa của câu chuyện thần thoại này rất rõ ràng. Sự khác biệt giới tính thúc đẩy con người đi tìm một phương thức kết hợp đặc biệt, đó là kết hợp dị tính. Hai cực âm dương cũng biểu hiện trên mỗi người nam và người nữ. Nhìn ở vấn đề sinh lý, nam nữ đều có hormone khác giới, tương ứng từ góc độ tâm lý học, bọn họ đều là lưỡng tính. Bọn họ có nguyên tắc tiếp thu và thẩm thấu, vật chất và tinh thần. Nam nữ chỉ có thể thông qua kết hợp lưỡng cực âm dương mới tìm được sự thống nhất nội tâm. Lưỡng cực âm dương là cơ sở cho mỗi loại hình lao động có tính sáng tạo.

Sự kết hợp lưỡng cực âm dương cũng là cơ sở lực lượng sản xuất giữa người và người, điều này biểu hiện rõ rệt ở hiện tượng có tính sinh vật, là sự kết hợp của tinh trùng và trứng – cơ sở của việc sinh sản. Từ góc độ thuần tâm lý cũng vậy: trong tình yêu nam nữ, hai bên đều đạt được sự sống mới. (Đồng tính luyến ái không có được cái mà sự kết hợp lưỡng cực mang lại, do đó người đồng tính luyến ái sẽ mãi không thoát được sự giày vò của cô độc. Người đồng tính cùng với người dị tính không thể yêu, đều không thực hiện được sự kết hợp lưỡng cực.)

Nguyên tắc lưỡng cực âm dương không chỉ tồn tại ở động thực vật trong giới tự nhiên, mà còn là hai tác dụng cơ bản trong sự đối lập, đó là tác dụng tiếp nhận và tác dụng thẩm thấu. Đó chính là mặt đất và mưa, dòng sông và biển, ngày và đêm, bóng tối và ánh sáng, vật chất và tinh thần. Nhà thơ Muslim, người theo chủ nghĩa thần bí vĩ đại Rumi đã diễn đạt quan điểm này rất đẹp:

Thực sự, kẻ đi tìm ái tình không thể không được người tình kiếm tìm.

Nếu như ngọn đèn tình soi sáng trái tim này, nó cũng sẽ soi sáng trái tim kia.

Nếu như tình yêu đối với Thượng đế nảy nở trong tim bạn, thì Thượng đế cũng sẽ yêu bạn hơn.

Một bàn tay vỗ không thành tiếng. Thánh minh của Thượng đế là mệnh lệnh,

Người quyết định chúng ta yêu nhau.

Ý trời làm cho mỗi bộ phận của thế giới đều có đôi có cặp.

Trong con mắt thánh nhân, bầu trời là người đàn ông, mặt đất là người phụ nữ: mặt đất đón nhận thứ rơi xuống từ bầu trời.

Nếu mặt đất thiếu đi hơi ấm, bầu trời sẽ cho nó; nếu mặt đất mất đi sự tươi tốt, bầu trời sẽ cho nó.

Hành tung của bầu trời như dấu chân người chồng, người chồng tìm kiếm thức ăn cho người vợ.

Còn mặt đất lại lo việc nhà cửa; nàng sinh ra sự sống, và nuôi dưỡng thứ nàng sinh ra.

Hãy xem mặt đất và bầu trời là sự sống dồi dào trí tuệ, bởi hành vi của chúng cũng hoàn toàn như sự sống của trí tuệ.

Nếu như chúng không thể tìm được hoan lạc từ kia, sao chúng có thể gần gũi nhau như đôi tình nhân thế kia?

Nếu như không có mặt đất, cây cối hoa cỏ sao có thể sinh trưởng đây?

Nước và hơi ấm của bầu trời có thể mang lại cái gì đây?

Thượng đế gieo mầm trên người đàn ông và người phụ nữ, sự duy trì nòi giống gìn giữ nguyện vọng của thế giới, Thượng đế cũng gieo mầm hy vọng kết nối phần này với phần kia của sự sống.

Ngày và đêm tưởng như kẻ thù, nhưng chúng lại vì cùng một mục tiêu; bởi yêu đương để hoàn thành sự nghiệp chung.

Không có đêm, sự sống con người chẳng có gì, còn ngày cũng chẳng có tặng vật.

Vấn đề lưỡng cực âm dương dẫn tới bước thảo luận tiếp đối với tình yêu và tình dục. Đoạn trước tôi đã nhắc tới một sai lầm của Freud, đó là ông ta coi tình yêu chỉ là biểu hiện hoặc thăng hoa của bản năng tình dục, chứ không nhận thức thấy nhu cầu tình dục là một biểu hiện con người khát vọng tình yêu và kết hợp với con người. Nhưng sai lầm của Freud không chỉ dừng lại ở điểm này. Căn cứ quan điểm chủ nghĩa duy vật sinh lý của mình, Freud cho rằng bẳn năng tình dục chỉ là kết quả của sự bức bách dẫn tới phản ứng hóa học trong người, vì vậy cần phải giải phóng nó. Mục đích của tình dục là giải quyết áp lực của sự giày vò con người này. Theo cách nói này, nhu cầu tình dục giống như loại kích thích làm con người ta cảm thấy ngứa ngáy, và sự thỏa mãn tình dục chính là muốn tiêu diệt kích thích này. Theo lý luận về tình dục này, sự thỏa mãn tình dục lý tưởng nhất có thể sẽ là thủ dâm, đó là sự thỏa mãn tình dục tự thân. Nhưng Freud chưa nhìn ra tâm lý của tình dục – một mặt của tính sinh vật, chưa nhìn ra lưỡng cực âm dương và nhu cầu muốn thông qua kết hợp xóa vỏ sự đối lập lưỡng cực này. Sai lầm kỳ quặc mà Freud mắc phải này có liên quan tới tư tưởng phụ quyền cực đoan của ông ta, tư tưởng này thôi thúc ông ta đưa ra kết luận, bản thân tình dục mang tính dương, dẫn đến ông ta không thấy được phần âm của tình dục. Quan điểm này của ông ta được làm sáng tỏ trong Three Contributions to the Theory of Sex. Ông ta cho rằng dục tính thường có “tính dương”, bất luận dục tính của người đàn ông hay người phụ nữ. Quan điểm này của ông ta còn xuất hiện trong lý luận của ông ta dưới một hình thức đơn giản hơn. Ông ta cho rằng, người đàn ông cảm nhận người phụ nữ như một người đàn ông bị cắt bỏ bộ phận sinh dục. Còn người đàn bà thông qua phương thức khác nhau tìm kiếm thứ thay thế cho bộ phận sinh dục nam mà cô ta đánh mất. Nhưng người đàn bà không phải là người đàn ông bị cắt bỏ dương vật, dục tính của người nữ không có tính dương, mà mang tính chất âm.

Sự hấp dẫn tình dục giữa hai giới chỉ có một phần động lực nhằm giải quyết áp lực sinh lý, còn động lực chủ yếu là nhu cầu kết hợp giữa giới tính này với giới tính kia. Trên thực tế, hấp dẫn tính dục không chỉ biểu hiện trên sự hấp dẫn hai giới. Tính chất và tác dụng của tình dục vừa mang tính dương vừa mang tính âm. Đặc điểm của tính dương là thẩm thấu, chỉ đạo, tích cực, kỷ luật và mạo hiểm, còn tính âm lại là có đặc điểm tiếp nhận, bảo vệ, cầu thực, nhẫn nại và mẫu tính. (Không nên quên rằng, tiêu chí của hai tính chất này đều được thể hiện trên mỗi người, chỉ khác nhau ở mức độ, có người tính dương trội, có người tính âm trội.) Từ góc độ tình cảm, nếu đặc tính nam tính của người nam trước sau vẫn ở mức một đứa trẻ, anh ta sẽ nghĩ mọi biện pháp thông qua cuộc sống tình dục cường điệu sự nam tính của mình để bù đắp sự thiếu hụt kia. Don Juan là một ví dụ. Anh ta luôn muốn chứng minh sức mạnh nam tính của mình qua tình dục, nó vừa đúng bởi anh ta hoài nghi sự nam tính của mình. Nếu như sự kiệt quệ nam tính này trở nên cực đoan, thì sự bạo dâm – dùng vũ lực – sẽ thay thế tính nam bằng một phương thức biến thái. Nếu tính nữ suy giảm hoặc biến thái sẽ xuất hiện chứng chấp nhận bạo dâm.

Mọi người chỉ trích Freud đã quá chú trọng tác dụng của tình dục, họ làm như vậy thông thường để phủ nhận một bộ phận trong học thuyết của Freud gây ra tranh cãi và phê bình trong giới quan niệm truyền thống. Freud rất hiểu sự sâu sa huyền diệu bên trong, bởi vậy ông không tiếc công sức phản đối mọi ý đồ muốn cải tạo lý luận tình dục của ông. Lý luận của Freud đương thời quả có tính thách thức và tính cách mạng. Nhưng nếu năm 1910 nó là thứ có tính cách mạng, thì 50 năm sau không chắc có còn là cách mạng nữa. Phong tục tập quán tình dục đã có sự thay đổi lớn trong 50 năm này, lý luận của Freud ngày nay cũng không còn gây ra sự kinh ngạc cho ngay cả tầng lớp tư sản. Vì vậy, nếu như đến nay mà các nhà phân tâm học chính thống vì một lý do nào đó vẫn ủng hộ lý luận của Freud và coi mình là kẻ dũng cảm và cấp tiến thì chỉ là một thứ chủ nghĩa cấp tiến hư cấu mà thôi. Trên thực tế, chủ nghĩa cấp tiến loại này chính là biểu hiện xu thời của bọn họ, căn bản họ không tìm cách đưa ra những vấn đề then chốt của tâm lý học, bởi những vấn đề đó sẽ nhận được sự phê bình của xã hội hiện đại.

Phê bình của tôi đối với Freud không phải bởi ông ta quá coi trọng tác dụng của tình dục, mà do ông ta không đi sâu vào lý giải tác dụng của tình dục. Ông ta xuất phát từ quan điểm triết học của mình, coi tình dục có tính sinh lý, vì vậy cần phát triển lý luận của ông lên một bước nữa, đó là chuyển từ phạm trù sinh lý sang phạm trù sinh tồn. (Cuối đời, khái niệm liên quan tới bản năng sự sống và bản năng chết đã được Freud hướng tới. Freud coi quan niệm bản năng (ái-dục) là nguyên tắc tổng hòa và thống nhất, quan niệm này và quan niệm về bản năng tình dục của ông dựa trên cơ sở hoàn toàn khác nhau. Mặc dù lý luận về bản năng sự sống và bản năng cái chết được sự thừa nhận của các nhà phân tâm học chính thống, nhưng thừa nhận của họ cũng không làm thay đổi quan niệm về libido từ căn bản, đặc biệt ở phương diện y học lâm sàng.)

Vũ Văn Duy dịch từ bản tiếng Trung

Tên tiếng Anh của văn bản: The Art of Love – Erich Fromm

Bài viết gần đây

tổng đài tư vấn zlove

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *